Hotline: 1800 9045

Nổi mẩn ngứa ở chân tay: Nguyên nhân và cách điều trị hiệu quả

Nổi mẩn ngứa ở chân tay không chỉ gây cảm giác khó chịu mà còn làm tổn thương da khi gãi mạnh. Hơn hết, triệu chứng này có thể liên quan đến các bệnh lý của gan, thận hay nhiễm giun sán. Chính vì vậy, bạn không nên chủ quan mà hãy trang bị kiến thức liên quan và chú ý để thăm khám, điều trị kịp thời. 

Nổi mẩn ngứa ở chân tay là gì?

Nổi mẩn ngứa ở chân tay là hiện tượng trên da ở chân, tay xuất hiện các nốt mẩn đỏ kèm cảm giác ngứa ngáy khó chịu. Tùy vào nguyên nhân và tính chất, tình trạng mà thời gian xuất hiện các nốt mẩn ngứa sẽ khác nhau. Khi những nốt mẩn xuất hiện, người bệnh thường có xu hướng gãi và dễ gây tổn thương da, để lại sẹo, thâm mất thẩm mỹ.

Những nốt ngứa có thể đơn lẻ hoặc xuất hiện thành từng mảng và không có kích thước, hình dạng nhất định. Vị trí của các nốt này thường tập trung ở phần cẳng tay, bắp tay, đùi và phần khuỷu tay/chân. Người bệnh có thể bị mẩn ngứa trong vài giờ rồi tự khỏi hoặc kéo dài dai dẳng, lặp lại trong nhiều ngày, tháng.

Nổi mẩn ngứa ở chân tay rất thường gặp gây ra cảm giác khó chịu

Nổi mẩn ngứa ở chân tay rất thường gặp gây ra cảm giác khó chịu (Ảnh minh họa internet)

Những triệu chứng đi kèm nổi mẩn ngứa ở chân tay

Khi bị nổi mẩn ngứa ở chân tay, người bệnh có thể gặp thêm những triệu chứng khác như: đỏ vùng bị nổi mẩn, đau, rát hay da khô nứt nẻ... Tuy vào nguyên nhân gây bệnh mà các biểu hiện, mức độ sẽ khác nhau.

Đôi khi người bệnh còn gặp thêm các triệu chứng như đau dữ dội, xuất hiện mụn nước ở những vùng da nhạy cảm. Khi gãi, những nốt mẩn ngứa có thể chảy ra dịch vàng, xanh. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể bị sốt hay cảm thấy mệt mỏi.

Xem ngay: Gói khám tổng quát, khám sức khỏe toàn diện tại Hồ Chí Minh

Nguyên nhân gây ra nổi mẩn ngứa ở chân tay

Nổi mẩn ngứa ở tay chân là triệu chứng thường gặp và do nhiều vấn đề khác nhau. Một số nguyên nhân, bệnh lý có thể làm xuất hiện tình trạng này như:

Mề đay dị ứng

Triệu chứng nổi mẩn ngứa ở chân tay có thể gặp ở hầu hết các trường hợp dị ứng, nổi mề đay. Đây là tình trạng da phát ban với các nốt sần, ngứa với kích thước khác nhau như hình tròn, bầu dục. Vùng bị mẩn ngứa có thể xuất hiện những nốt nhỏ hoặc mảng to hơn 10cm.

Mề đay dị ứng đặc trưng bởi các nốt sần, hình tròn hoặc bầu dục

Mề đay dị ứng đặc trưng bởi các nốt sần, hình tròn hoặc bầu dục (Ảnh minh họa internet)

Nguyên nhân do tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng ở bên ngoài môi trường hay trong cơ thể. Nếu không được điều trị, người bệnh sẽ đối diện với nhiều biến chứng như phù mạch, ảnh hưởng đến hô hấp, thay đổi màu sắc da... Trong đó, phổ biến nhất là các trường hợp dị ứng liên quan đến thuốc, thời tiết, thực phẩm:

  • Dị ứng thời tiết: Triệu chứng nổi mẩn ngứa có thể do người bệnh bị dị ứng thời tiết. Đây là kết quả của hệ miễn dịch khi phản ứng quá mức với sự thay đổi của thời tiết. Ngoài nổi mẩn ngứa ở chân tay, người bệnh còn xuất hiện biểu hiện sổ mũi, hắt hơi...
  • Dị ứng thuốc: Đây là phản ứng của hệ miễn dịch với một thành phần của thuốc mà người bệnh đã sử dụng. Những triệu chứng nhẹ có thể hết sau vài giờ, ngày nhưng cũng có thể nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng. Một số loại thuốc dễ gây dị ứng như kháng sinh, NSAID, Hydralazine...
  • Dị ứng thực phẩm: Các triệu chứng là kết quả của hệ miễn dịch phản ứng với thành phần trong thực phẩm, làm tăng lượng kháng nguyên (IgE). Ngoài những nốt mẩn ngứa, bệnh nhân còn có thể bị chảy nước mắt, nước mũi, khó thở...

Vảy nến

Nổi mẩn ngứa ở chân tay có thể là một dấu hiệu ban đầu, nhẹ của bệnh vẩy nến mà nhiều người bệnh không chú ý. Đây là một bệnh lý ngoài da gây phát ban với các mảng ngứa, có vảy tập trung ở đầu gối, khuỷu tay, thân mình và da đầu.

Bệnh vẩy nến gây ra triệu chứng mẩn ngứa trên tay, chân

Bệnh vẩy nến gây ra triệu chứng mẩn ngứa trên tay, chân (Ảnh minh họa internet)

Nguyên nhân gây ra tình trạng này đến từ các rối loạn của hệ thống miễn dịch làm tế bào da được thay thế nhanh hơn bình thường. Ngoài mẩn ngứa, bệnh nhân có thể gặp thêm nhiều triệu chứng khác từ nhẹ đến nặng, trong đó phổ biến nhất bao gồm: phát ban loang lổ, da khô nứt nẻ, ngứa rát, ban có màu khác nhau...

Viêm da tiếp xúc

Là tình trạng viêm da khi tiếp xúc trực tiếp với các tác nhân, dị nguyên gây kích ứng, tạo ra những biểu hiện như nổi mẩn ngứa ở chân tay, đau rát, mẩn đỏ... Những dị nguyên phổ biến gây ra tình trạng này gồm:

  • Các loại chất tẩy rửa, hóa chất như bột giặt, nước rửa chén, sản phẩm chăm sóc da...
  • Những hóa chất có tính acid, kiềm, muối kim loại hay dung môi...
  • Thời tiết khô hanh hay ẩm, nóng lạnh…
  • Bụi, nấm mốc hoặc lông, da thú cưng...
  • Các loại hạt từ cỏ hay phấn hoa...
  • Những loại thức ăn dễ gây dị ứng như hải sản, sữa, trứng, ngũ cốc...
  • Người bệnh có tiếp xúc với chất độc của côn trùng như kiến ba khoang

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có ngứa kèm mẩn đỏ, đau rát

Viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang có ngứa kèm mẩn đỏ, đau rát (Ảnh minh họa internet)

Ghẻ         

Đôi khi nổi mẩn ngứa ở chân tay cũng có thể do ký sinh trùng ghẻ (cái ghẻ, Sarcoptes scabiei) gây ra. Cái ghẻ đào hang dưới da để đẻ trứng sẽ gây ra các phản ứng miễn dịch và ngứa. Bệnh này có thể lây lan do tiếp xúc trực tiếp hoặc từ tác nhân gây bệnh.

Dấu hiệu đặc trưng là ngứa nhiều về đêm với mức độ khác nhau tùy thuộc mỗi người bệnh. Ngoài ra, người bệnh còn thấy rãnh ghẻ dài vài mm giống sợi chỉ, trắng xám hoặc các mụn nước nông 1-2mm chứa dịch màu trắng đục, nằm rải rác.

Ở người lớn, ghẻ có thể xuất hiện ở bất kỳ vị trí nào nhưng thường ở tay chân, các khe hở giữa các ngón tay, chân. Ngoài ra còn ở vùng nách, eo, dọc theo mặt trong cổ tay, lòng bàn tay, chân, ngực...

Nấm da

Nấm da cũng có thể là nguyên nhân gây ra triệu chứng nổi mẩn ngứa ở chân tay. Đây là tình trạng nhiễm trùng do vi nấm xâm nhập và phát triển trên da và có thể xuất hiện ở nhiều vị trí nhưng thường thấy trên các vùng da ẩm ướt như nách bẹn, bàn chân, kẽ tay, móng tay...

Nấm da có ngứa kèm sự thay đổi ở màu sắc

Nấm da có ngứa kèm sự thay đổi ở màu sắc (Ảnh minh họa internet)

Tùy vào loại nấm gây bệnh mà các triệu chứng sẽ khác nhau nhưng đa số đều có ngứa ở vùng da bị nhiễm nấm, nhất là khi đổ mồ hôi. Vùng nhiễm nhấm thường bị thay đổi màu sắc sang đỏ, trắng, vàng hoặc nâu. Ngoài ra, còn một số biểu hiện như mụn nước, dày sừng, mùi hôi...

Nhiễm ký sinh trùng

Nhiễm ký sinh trùng cùng là một nguyên nhân thường gặp gây ra nổi mẩn ngứa ở chân tay. Bệnh do các loài sống ký sinh lên người như giun sán, bọ chét, ve, rận... Khi ký sinh trùng xâm nhập cơ thể người, chúng hút máu, chất dinh dưỡng để sinh sôi, phát triển và gây ra nhiều triệu chứng như:

  • Ngứa hoặc nổi mề đay, phát ban đỏ, chàm dị ứng, viêm nhiễm, tổn thương da.
  • Sốt kéo dài, có thể sốt cao kèm rét run.
  • Rối loạn tiêu hóa với các triệu chứng như tiêu chảy, đầy hơi, chướng bụng...
  • Sụt cân, suy dinh dưỡng do ký sinh trùng ảnh hưởng đến đường ruột.
  • Thiếu máu do một số ký sinh trùng hút máu vật chủ.
  • Ngứa vùng hậu môn khi bị nhiễm các loại giun sán, giun kim.

Mẩn ngứa mề đay do nhiễm giun sán

Mẩn ngứa mề đay do nhiễm giun sán (Ảnh minh họa internet)

Các bệnh lý khác

Ngoài những nguyên nhân trên, triệu chứng nổi mẩn ngứa ở chân tay còn có thể đến từ các bệnh lý khác của cơ thể như:

  • Do gan: Khi chức năng gan bị suy giảm khiến độc tố trong cơ thể bị tích tụ gây ra mẩn ngứa, phát ban, mụn nhọt, mệt mỏi...
  • Rối loạn nội tiết: Một số rối loạn nội tiết như tăng cortisol và suy giảm hoạt động tuyến giáp cũng có thể gây ra phát ban, nổi mẩn ngứa ở vùng chân, tay.
  • Mang thai: Phụ nữ mang thai có thay đổi lớn về nội tiết, chuyển hóa trên cơ thể nên thường bị mẩn ngứa ở tay chân hoặc cả cơ thể.

Nổi mẩn ngứa ở chân tay khi nào cần đến gặp bác sĩ?

Triệu chứng nổi mẩn ngứa ở chân tay gây ra bởi rất nhiều nguyên nhân, bệnh lý khác nhau. Do đó, cần có sự thăm khám của bác sĩ chuyên khoa mới có thể xác định chính xác và đưa ra hướng điều trị phù hợp. Người bệnh cần đi khám ngay khi:

  • Mẩn ngứa kéo dài không hết, lặn một thời gian rồi tái lại.
  • Ngứa đi kèm với những triệu chứng như sốt, mệt mỏi, chán ăn, sụt cân...
  • Vùng da bị ngứa đổi màu, xuất hiện các vết loét, vảy cứng, mụn nước...
  • Ngứa nghiêm trọng ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng cuộc sống của bạn.

Bệnh nhân cần khám để xác định nguyên nhân, điều trị phù hợp

Bệnh nhân cần khám để xác định nguyên nhân, điều trị phù hợp (Ảnh minh họa)

Cách điều trị, giảm mẩn ngứa ở chân tay hiệu quả

Để điều trị nổi mẩn ngứa ở chân tay đạt nhiều quả cao, cần xác định đúng nguyên nhân. Dựa vào đó, bác sĩ sẽ chỉ định thuốc và phương pháp phù hợp nhất với tình trạng của người bệnh.

Bên cạnh đó cũng có một số phương pháp điều trị triệu chứng, có thể góp phần làm giảm cơn ngứa ngáy khó chịu ở người bệnh như:

  • Chăm sóc da đúng cách: Tắm bằng nước ấm và không sử dụng quá nhiều các loại sữa tắm lên da.
  • Dưỡng ẩm: Uống đủ nước để da có đủ độ ẩm, sử dụng kem dưỡng ẩm trong trường hợp da bị khô, bong tróc.
  • Mặc quần áo thoáng mát: Sử dụng các loại vải mềm, cotton để giảm cảm giác khó chịu, kích ứng trên da.
  • Hạn chế gãi: Gãi chỉ khiến cho tình trạng da thêm trầm trọng, đôi khi để lại thâm, sẹo hay nhiễm trùng.
  • Giữ gìn vệ sinh: Tắm rửa thường xuyên, vệ sinh chăn màn, quần áo sạch sẽ.
  • Hạn chế tiếp xúc với chất kích ứng: Tránh tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng, có tính tẩy rửa mạnh hoặc đi găng tay khi cần phải sử dụng.
  • Điều chỉnh chế độ ăn: Giảm những loại thực phẩm dễ gây dị ứng như hải sản, trứng, đậu phộng, đồ có cồn...
  • Sử dụng một số loại thuốc để giảm ngứa như: kháng Histamin, Corticoid, kem bôi đặc trị...

Triệu chứng nổi mẩn ngứa ở chân tay có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, từ các yếu tố môi trường bên ngoài đến bệnh lý bên trong cơ thể. Do đó, việc xác định đúng nguyên nhân là vô cùng cần thiết để có hướng điều trị phù hợp. Hy vọng qua những gì chia sẻ ở bài viết, bạn đã phần nào hiểu hơn về triệu chứng này cũng như chú ý để thăm khám kịp thời.

Xem thêm: Các mốc khám sức khỏe tổng quát cho trẻ em, trẻ sơ sinh

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!

028 62 885 886