Đo huyết áp tại nhà – Đơn giản nhưng nhiều người vẫn đo sai
“Tôi đo huyết áp tại nhà thấy cao, nhưng khi đến bệnh viện lại bình thường. Vậy tôi có tăng huyết áp thật hay chỉ do máy đo sai?” – Đây là thắc mắc mà nhiều người từng gặp phải khi theo dõi huyết áp tại nhà. Trên thực tế, kết quả đo sai lệch rất thường xảy ra, không phải vì máy hỏng, mà do những lỗi nhỏ trong cách đo – từ tư thế, thời điểm cho đến thói quen sinh hoạt trước khi đo.
Chia sẻ từ BS.CKII. Mai Thanh Tâm - khoa Khám bệnh, Bệnh viện Gia An 115:
Huyết áp là một chỉ số quan trọng phản ánh sức khỏe tim mạch, đặc biệt ở những người có nguy cơ hoặc đang mắc các bệnh lý như tăng huyết áp, thiếu máu cơ tim, đái tháo đường hoặc bệnh thận. Đo huyết áp tại nhà là một phương pháp đơn giản nhưng hiệu quả giúp người bệnh theo dõi tình trạng sức khỏe, hỗ trợ bác sĩ trong việc đánh giá, điều trị phù hợp.
Tuy nhiên, không ít người dù đo thường xuyên nhưng lại không đúng cách, dẫn đến kết quả sai lệch so với huyết áp thực của bản thân – có thể cao hơn hoặc thấp hơn tới vài chục mmHg. Điều này có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng: huyết áp bình thường bị đánh giá nhầm là tăng huyết áp, trong khi người có tăng huyết áp thật sự lại bị bỏ sót dẫn đến điều trị không đúng thích hợp.
“Tôi đã gặp một số bệnh nhân đi khám bệnh kèm với bảng theo dõi có huyết áp tăng cao hoặc huyết áp thấp, nhưng khi đo tại bệnh viện thì chỉ số bình thường. Phần lớn là do thực hiện chưa đúng khi đo huyết áp như: đo ngay sau khi leo cầu thang, sau tập thể dục, sau ăn, sau uống cà phê, hoặc thao tác sai cách trong lúc đo. Nếu không để ý kỹ, những sai lệch này có thể khiến bác sĩ phải kê đơn thuốc không cần thiết – hoặc ngược lại, làm chậm trễ điều trị quan trọng”.
Vì sao lại có sai lệch khi đo huyết áp tại nhà?
Huyết áp là chỉ số rất “nhạy cảm”, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như tâm trạng, tư thế, thói quen sinh hoạt, thời điểm đo... Nếu không tuân thủ đúng quy trình, chỉ số huyết áp có thể cao hoặc thấp hơn thực tế đến hơn 30 mmHg – mức sai số này đủ để làm thay đổi hoàn toàn quyết định điều trị của bác sĩ.
Những sai sót khiến huyết áp cao hơn thực tế:
Sai lầm | Giải thích |
Nói chuyện khi đo | Kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, làm tim đập nhanh và mạch máu co lại dẫn đến tăng huyết áp tạm thời |
Hút thuốc lá trước khi đo (đặc biệt là điếu thuốc đầu tiên trong ngày) | Nicotine trong khói thuốc kích thích hệ thần kinh giao cảm, gây co mạch, tăng nhịp tim, tăng huyết áp. |
Uống cà phê trước khi đo | Chất caffeine khiến tim đập nhanh hơn và mạch máu co lại, dẫn đến tăng huyết áp tạm thời. |
Ngồi bắt chéo chân | Các mạch máu bị đè ép, làm tăng kháng lực mạch máu, dẫn đến tăng huyết áp |
Không tựa lưng, thiếu điểm tựa tay |
Lưng không được tựa vào ghế khiến cơ bị căng, gồng cứng kích thích tim đập nhanh hơn và huyết áp tăng. Nếu để tay lơ lửng không có điểm tựa: cơ tay phải căng để giữ, làm tăng huyết áp thêm. Tay đặt quá thấp cũng làm chỉ số huyết áp cao hơn. Theo trọng lực: vị trí càng thấp thì kháng lực và huyết áp càng tăng cao. |
Băng quấn quá nhỏ hoặc vị trí băng quấn quá thấp về phía khuỷu. | Nếu băng quấn không được quấn chặt hoặc lệch sang một bên, máy phải bơm áp lực cao hơn để ép động mạch, dẫn đến chỉ số huyết áp tăng sai lệch. |
Đo khi mắc tiểu | Làm kích thích hệ thần kinh giao cảm làm tăng huyết áp. |
Đo sau vận động | Sau khi vận động nhẹ (như đi bộ, làm việc nhà) hoặc nặng (như chạy bộ, leo cầu thang), tim đập nhanh hơn và mạch máu co lại để cung cấp máu cho cơ bắp, làm chỉ số huyết áp tăng. |
Môi trường lạnh | Mạch máu co lại và tim đập nhanh hơn để giữ ấm, làm chỉ số huyết áp tăng. |
Dùng máy không đạt chuẩn | Làm áp lực ép lên động mạch sai, khiến máy ghi nhận chỉ số huyết áp cao hơn hoặc thấp hơn thực tế. |
(Hình: ACC 2024)
Những sai sót khiến huyết áp thấp hơn thực tế:
Sai lầm | Giải thích |
Cánh tay đặt cao hơn tim | Trọng lực làm giảm áp suất máu tại vị trí đo, dẫn đến kết quả thấp hơn. |
Băng quấn quá lỏng hoặc bao quấn ở vị trí cao về phía vai | Không đủ ép vào động mạch, dẫn đến việc ghi nhận áp lực không chính xác, gây ra kết quả huyết áp thấp hơn thực tế. |
Đo sau bữa ăn | Máu dồn về dạ dày để tiêu hóa, làm giảm áp lực máu ở động mạch ngoại biên. Sau ăn kích hoạt hệ phó giao cảm tăng làm huyết áp thấp đi. |
Sai số dù nhỏ cũng đủ làm thay đổi quyết định điều trị. Nếu huyết áp tăng giả, người bệnh có thể bị kê thêm thuốc không cần thiết. Ngược lại, huyết áp giảm giả sẽ khiến bác sĩ chủ quan, bỏ sót nguy cơ đột quỵ, thiếu máu cơ tim, suy tim, tổn thương thận. Vì vậy, đo đúng cách tại nhà là một phần quan trọng trong quá trình điều trị.
BS.CKII. Mai Thanh Tâm thăm khám cho người bệnh
Cách đo huyết áp chính xác tại nhà:
- Chuẩn bị trước khi đo: Đo trong phòng yên tĩnh, nghỉ ngơi ít nhất 5 phút. Không đo huyết áp sau khi uống cà phê, hút thuốc hay vận động gắng sức trong 30 – 60 phút. Nên đi tiểu trước khi đo.
- Sử dụng máy đo đạt chuẩn: Nên dùng máy đo tại vị trí cánh tay, băng quấn đúng kích cỡ (băng quấn có bề cao bằng hoặc hơn 2/3 chiều dài cánh tay), kiểm tra pin và hiệu chuẩn định kỳ.
- Tư thế đúng: Ngồi trên ghế có tựa lưng, chân đặt trên sàn (không bắt chéo), cánh tay đặt ngang mức tim.
- Nếu lần đầu tiên đo huyết áp: Cần đo cả 2 tay. Nếu huyết áp 2 tay chênh lệch hơn 10 mmHg thì cần báo bác sĩ khi khám bệnh và dùng cánh tay có huyết áp cao hơn làm chuẩn cho những lần đo sau.
- Thời điểm đo: Nên đo huyết áp 2 lần/ngày (buổi sáng lúc ngủ dậy, trước ăn, trước uống thuốc và buổi tối trước khi ngủ). Mỗi lần đo 2 lần, cách nhau 1-2 phút. Ghi lại kết quả và tính trung bình các lần đo, gửi cho bác sĩ điều trị. Nếu 2 lần đo chênh lệch hơn 5 mmHg thì đo thêm 1-2 lần nữa và lấy số trung bình.
- Tuy nhiên, không đo quá nhiều lần liên tiếp, đo quá 3 – 4 lần/lượt có thể gây chênh lệch do tâm lý hoặc kích thích vùng cánh tay.
*Tài liệu tham khảo: “Tăng huyết áp trong thực hành lâm sàng” – GS.TS. Đặng Vạn Phước, NXB Y học.
Xem thêm: Tăng huyết áp - "Cửa ngõ" dẫn đến đột quỵ
Bệnh viện Gia An 115 là bệnh viện đa chuyên khoa kỹ thuật cao. Bệnh viện quy tụ đội ngũ chuyên gia, bác sĩ chuyên môn cao, dày dặn kinh nghiệm, tận tâm, chu đáo và hệ thống trang thiết bị hiện đại, đặc biệt có ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán, điều trị. Để đăng ký khám và tư vấn, bạn vui lòng sử dụng tính năng Đặt lịch khám ngay trên website.