Đột quỵ thiếu máu não: Nhận biết nguyên nhân và cách phòng ngừa
Đột quỵ thiếu máu não – “sát thủ thầm lặng” chiếm tới 80% các ca đột quỵ, có thể gây tàn tật hoặc tử vong nếu không được xử trí kịp thời. Cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng ngừa hiệu quả qua chia sẻ của BS.CKI. Dương Thị Hồng Nhung, Phụ trách khoa Nội Thần kinh – Đột quỵ, Bệnh viện Gia An 115.
Đột quỵ thiếu máu não là gì?
Đột quỵ thiếu máu não cục bộ (hay nhồi máu não) cấp tính là một dạng của đột quỵ não đặc trưng bởi tình trạng dòng máu đột ngột không lưu thông đến một vùng của não, mạch máu bị tắc nghẽn do nguyên nhân tại chỗ hoặc do lấp mạch, gây thiếu máu nuôi và hoại tử ở vùng não do động mạch đó chịu trách nhiệm tưới máu, dẫn đến tổn thương nhu mô não và mất chức năng thần kinh tương ứng
Khi động mạch não bị tắc nghẽn, vùng não do động mạch đó cấp máu sẽ diễn tiến tới 2 vùng: Vùng trung tâm với lưu lượng máu thấp dưới 10mL/100gam não/phút sẽ hoại tử và không hồi phục gọi là lõi nhồi máu; vùng xung quanh có lưu lượng máu từ 10-20mL/100gam não/phút là vùng tranh tối tranh sáng, trong đó các tế bào não chưa chết nhưng không hoạt động điện biểu hiện mất chức năng trên lâm sàng. Vùng tranh tối tranh sáng chính là vùng mục tiêu của điều trị đột quỵ cấp, nếu được tái thông đưa máu đến nuôi kịp thời, các tế bào não vùng này sẽ hồi phục
Do đó, “Cần nhận diện sớm đột quỵ và điều trị sớm, giúp mang lại cho người bệnh đột quỵ cơ hội vàng hồi phục, giảm tỷ lệ tử vong và tàn phế ” - BS. Dương Thị Hồng Nhung nhấn mạnh.
Nguyên nhân đột quỵ thiếu máu não
- Đột quỵ do xơ vữa động mạch lớn
Xơ vữa động mạch lớn, cụ thể là xơ vữa động mạch cảnh ngoài sọ hoặc xơ vữa hẹp động mạch nội sọ là một trong các nguyên nhân chính của nhồi máu não và cơn thiếu máu cục bộ thoáng qua.
Người bệnh có hẹp động mạch nội sọ có triệu chứng đối mặt với một nguy cơ rất cao tái phát nhồi máu não, dù đã được điều trị nội khoa tích cực.
Hẹp động mạch cảnh do mảng xơ vữa là một nguyên nhân gây đột quỵ nhồi máu não
- Đột quỵ do huyết khối tim
Các bệnh lý tim mạch gây nhồi máu não do huyết khối tim: Rung nhĩ, hội chứng suy nút xoang, van tim cơ học, nhồi máu cơ tim gần đây (<1 tháng), viêm nội tâm mạc nhiễm trùng.
- Đột quỵ do bệnh lý mạch máu nhỏ
Bệnh lý mạch máu nhỏ là cơ chế bệnh sinh phổ biến, gây ra khoảng 20%-30% các trường hợp nhồi máu não.
Hai yếu tố nguy cơ chính được ghi nhận trong bệnh mạch máu nhỏ là tăng huyết áp và đái tháo đường.
- Đột quỵ do các căn nguyên khác: Lóc tách động mạch, bệnh moyamoya.
Phòng ngừa đột quỵ: Hành động ngay hôm nay!
Để giảm nguy cơ và hậu quả của đột quỵ, cần:
- Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ: Kiểm soát huyết áp, đường huyết, cholesterol và triglyceride máu…
- Thay đổi lối sống: Ngưng hút thuốc lá, giảm uống rượu bia, giảm cân, tập luyện thể lực 3-4 buổi/tuần, kéo dài trung bình 40 phút/buổi, giảm lượng muối ăn hàng ngày < 2,5g, tăng cường rau củ, trái cây, ngũ cốc, thịt gia cầm, cá, các loại đậu.
- Sử dụng các thuốc kháng kết tập tiểu cầu hoặc kháng đông điều trị nếu có chỉ định của bác sĩ.
- Khám sức khỏe định kỳ: Đặc biệt với những người có tiền sử gia đình bị đột quỵ hoặc nguy cơ cao.
- Nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ: Yếu tay chân, nói khó, méo miệng, hoặc mất thăng bằng, mất thị lực đột ngột - cần được cấp cứu ngay ở bệnh viện có thể điều trị đột quỵ cấp.
Xem thêm bài viết: Quy tắc BE FAST - Nhận biết sớm các dấu hiệu đột quỵ
Để tầm soát nguy cơ đột quỵ, người bệnh cần đến các cơ sở y tế để khám bệnh và thực hiện các cận lâm sàng như: Xét nghiệm máu, siêu âm tim, siêu âm Doppler động mạch cảnh, CT hoặc MRI sọ não, ECG… giúp phát hiện sớm các bệnh lý và điều trị kịp thời. Đặc biệt ở người có nguy cơ cao (tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý tim mạch…). Khám và tầm soát định kỳ là cách hiệu quả để phòng ngừa đột quỵ.
SOMATOM Force VB30: Hiện đại - Chính xác - An toàn - Hiệu quả
Nhằm nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị đột quỵ, từ năm 2020, Bệnh viện Gia An 115 đã tiên phong ứng dụng phần mềm RAPID – công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) giúp mở rộng cửa sổ cứu não lên đến 24 giờ cho người bệnh đột quỵ. RAPID hỗ trợ xác định vùng não chết (hay lõi nhồi máu - infarct core) – khu vực không thể hồi phục, và vùng tranh tối tranh sáng (penumbra) – khu vực có thể phục hồi nếu can thiệp kịp thời, giúp tăng cơ hội cứu sống và hiệu quả điều trị cho bệnh nhân đến viện sau “thời gian vàng”. Tuy nhiên, trên máy CT thế hệ cũ, RAPID bị giới hạn trong việc khảo sát toàn bộ não, có thể bỏ sót vùng lõi nhồi máu hoặc vùng tranh tối tranh sáng, đặc biệt với tổn thương lớn hoặc lan tỏa.
Hạn chế này sẽ được khắc phục với hệ thống máy chụp CT (máy chụp cắt lớp vi tính) SOMATOM Force VB30 – công nghệ chẩn đoán hình ảnh tiên tiến do Siemens Healthineers (nhà cung cấp thiết bị y tế hàng đầu từ CHLB Đức) phát triển. Không như các máy CT thế hệ cũ, SOMATOM Force VB30 quét toàn bộ não trong chưa đầy 2 giây, tích hợp AI tạo bản đồ tưới máu và mạch máu chi tiết, hỗ trợ cả đột quỵ nhồi máu não (xác định vùng lõi nhồi máu, vùng tranh tối tranh sáng và đường đi tối ưu cho lấy huyết khối) lẫn đột quỵ xuất huyết não (phát hiện máu tụ, phình mạch, hoặc dị dạng mạch máu). Máy có độ phân giải cao, phát hiện tổn thương nhỏ vài milimet, hữu ích cả trong các ca đột quỵ không điển hình hoặc bệnh lý thần kinh phức tạp. Ngoài ra, với liều tia X giảm đáng kể (khoảng 85% so với máy CT thông thường), sẽ đạt được độ an toàn vượt bậc cho người bệnh về phương diện ảnh hưởng bức xạ.
Bệnh viện Gia An 115 đã chính thức lắp đặt hệ thống máy chụp CT SOMATOM Force VB30, dự kiến sẽ là đơn vị đầu tiên tại TP.HCM và khu vực phía Nam lắp đặt và vận hành hệ thống này.