Tăng huyết áp, thường xuyên đau đầu – Cảnh giác với đột quỵ!

Tăng huyết áp, thường xuyên bị đau đầu nhưng nữ bệnh nhân thường chỉ tự ý mua thuốc giảm đau uống. Đến khi hôn mê, người nhà lay gọi không tỉnh, Cấp cứu tới mới được phát hiện đột quỵ xuất huyết não…

Tăng huyết áp, thường xuyên đau đầu – Cảnh giác với đột quỵ!

Mới đây, Bệnh viện Gia An 115 vừa cấp cứu cho một nữ bệnh nhân sinh năm 1955, có tiền căn tăng huyết áp, thường xuyên bị đau đầu nhưng mỗi lần đau đều tự mua thuốc uống chứ không đi khám và điều trị. Trước đó 10 ngày, người bệnh đau đầu nhiều; sau khi uống thuốc tự mua, cơn đau có giảm ít. Cách nhập viện 3 ngày, người bệnh lại đau đầu nhiều hơn, mua thuốc uống không giảm, có kèm nôn ói nên đã đến một bệnh viện và được điều trị nội khoa.

Sáng ngày 27/7/2024, thân nhân thấy người bệnh không thức dậy, kiểu thở lạ nên gọi Cấp cứu. Ê-kip Cấp cứu ngoại viện Bệnh viện Gia An 115 đã đến ngay, khám thấy người bệnh hôn mê, lay gọi không trả lời, không đáp ứng đau ở 1/2 người phải, hai mắt mất phản xạ ánh sáng. Nhóm Cấp cứu đã ngay lập tức kích hoạt quy trình Code Stroke (quy trình cấp cứu đột quỵ não). Bệnh nhân nhanh chóng được đưa về Bệnh viện, chụp CT Scan sọ não. Kết quả cho thấy có xuất huyết não dưới màng cứng dọc bán cầu não hai bên, dọc liềm não và lều tiểu não, chèn ép gây thoát vị một phần mỏm móc não qua lều tiểu não. Đáng chú ý, hình ảnh CT sọ não cho thấy ngoài vùng xuất huyết mới còn có dấu vết của lần xuất huyết cũ nhưng trước đó không được chẩn đoán, điều trị. Người bệnh ngay lập tức được phẫu thuật để loại bỏ máu tụ và giảm áp lực lên não, thoát khỏi nguy cơ tử vong.

Tăng huyết áp, thường xuyên đau đầu – Cảnh giác với đột quỵ!

Cấp cứu đột quỵ: Thời gian chính là sinh mệnh

Đây chỉ là một trong rất nhiều ca bệnh đột quỵ đã được điều trị thành công tại Bệnh viện Gia An 115. Tuy nhiên, điều đáng nói, dù đột quỵ thường gây ra hậu quả nặng nề và đang có xu hướng ngày càng gia tăng nhưng vẫn còn rất nhiều người bệnh chủ quan khi có tiền sử tăng huyết áp và thường xuyên có biểu hiện đau đầu như trường hợp nữ bệnh nhân trên. Không quan tâm bệnh đúng cách, tự ý mua và uống thuốc giảm đau thay vì đi khám, không chú ý kiểm soát hiệu quả huyết áp và các bệnh lý nền – sự chủ quan này có thể đặt tính mạng của bản thân vào mối nguy hiểm khôn lường.

Khuyến cáo từ các bác sĩ, mỗi người nên chủ động lắng nghe cơ thể và không bỏ sót những triệu chứng dù nhỏ nhất để tránh đột quỵ cũng như các bệnh lý nghiêm trọng khác. Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các nguy cơ là rất cần thiết. Đặc biệt, nhóm người cao tuổi càng cần chú ý kiểm tra sức khỏe định kỳ, nhất là nếu có tiền sử té ngã hoặc chấn thương đầu. Những người có bệnh lý mạch máu não cần chú ý theo dõi và kiểm soát bệnh lý tim mạch, huyết áp, tiểu đường để giảm nguy cơ xuất huyết não.

Người bệnh đã bị đột quỵ não cũng cần chú ý kiểm soát các yếu tố nguy cơ để tránh tái phát đột quỵ. Khi tái phát đột quỵ lần 2, lần 3… hậu quả có thể nặng nề hơn, khả năng phục hồi thấp hơn, chi phí điều trị cũng tăng lên so với đột quỵ lần đầu.

Khi có bất kỳ dấu hiệu nguy hiểm nào sau đây, cần gọi Cấp cứu ngay lập tức - gọi Cấp cứu 115 hoặc Cấp cứu Bệnh viện Gia An 115 qua số điện thoại (028) 62 655 115:

   - Đau đầu dữ dội và đột ngột

   - Buồn nôn và nôn ói không rõ nguyên nhân

   - Giảm tri giác, khó tỉnh táo hoặc hôn mê

   - Mờ mắt hoặc thay đổi thị lực

   - Liệt hoặc yếu một bên cơ thể

   - Co giật

Thông tin thêm:

- Xuất huyết dưới màng cứng (SDH): Là tình trạng máu tụ giữa màng cứng với màng nhện của não. Máu tụ này có thể gây áp lực lên mô não, dẫn đến các triệu chứng thần kinh nghiêm trọng.

- Thoát vị mỏm móc: Là tình trạng một phần của não, thường là vùng thái dương, bị đẩy xuống qua khe nhỏ giữa não và tiểu não (lều tiểu não). Điều này có thể gây chèn ép lên cấu trúc thần kinh quan trọng, gây ra những triệu chứng nguy hiểm như: Giảm tri giác hoặc hôn mê; Dãn đồng tử một bên (do chèn ép thần kinh III); Liệt nửa người đối bên (do chèn ép bó tháp).

- Điều trị đột quỵ xuất huyết não thường đòi hỏi can thiệp phẫu thuật ngay để loại bỏ máu tụ và giảm áp lực lên não. Người bệnh sau đó có thể được theo dõi chặt chẽ trong ICU với các biện pháp hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn nếu cần.

Tiên lượng phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của xuất huyết và thoát vị, thời gian từ khi xuất hiện triệu chứng đến khi được điều trị và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.

Đặt lịch khám ngay, Chúng tôi sẽ liên hệ hỗ trợ bạn!

Vui lòng điền thông tin đặt lịch khám để được phục vụ tốt nhất và rút ngắn thời gian khám bệnh!